Canh cua là món ăn dân dã quen thuộc thường gặp trong bữa cơm gia đình nhất là trong những ngày hè oi bức. Món canh cua rất dễ làm mà nguyên liệu lại rất dễ kiếm. Đặc biệt là món ăn này có tính hàn, vị thanh rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy mà hầu như bà nội trợ nào cũng đã từng nấu món ăn này cho cả gia đình. Tuy nhiên, nấu món canh cua sao cho ngon và đóng nhiều gạch thì không phải ai cũng biết cách. Vậy làm thế nào để có thể nấu món canh cua ngon mà lại đóng nhiều gạch cho gia đình mình? Trong bài viết này chúng tôi sẽ bật mí bí quyết nấu món canh cua ngon, nhiều gạch. Nếu quan tâm các bạn hãy cùng theo dõi bài viết của chúng tôi nhé.
Bí quyết chọn cua và rau để nấu món canh cua ngon
Cua đồng ngon nhất vào thời điểm đầu tháng và cuối tháng âm lịch. Lúc này cua béo, nhiều thịt. Còn nếu ăn vào giữa tháng, là thời điểm cua lột vỏ, sẽ gầy, yếu. Chọn cua có màu sắc tươi sáng, sờ vào mình chắc chắn, có đủ tất cả càng. Những con cua sủi bọt nhiều, sẵn sàng kẹp lại là những con khỏe, thịt ngon.
Nếu chọn cua đực thì nhiều thịt, còn chọn cua cái thì nhiều gạch. Nhiều người thường chọn cua cái vì cho rằng cua cái chắc thịt hơn cua đực. Chọn con cua to cỡ ngón chân trở lên sẽ nhiều thịt và thơm. Trong khi cua non nhỏ sẽ làm nước bị hoi. Những con cua mà yếm đang có con thì tuyệt đối không nên chọn, sẽ làm nước bị tanh.
Ngoài ra, để nấu được món canh cua ngon thì không thể thiếu được các loại rau. Bạn có thể chọn nấu canh cua với rau mồng tơi, rau đay, mướp,…Tùy vào sở thích mà các bạn có thể lựa chọn loại rau phù hợp nhất. Nhưng khi chọn rau thì nên chọn rau còn tươi non, không sâu, héo úa. Đối với mướp thì nên chọn mướp hương bởi loại này nấu sẽ rất ngọt và thơm.
Cách giã cua để nấu món canh cua tạo nhiều gạch
Đối với việc giã cua thì chúng ta không nên xay bằng máy mà nên dã bằng tay. Giã bằng tay sẽ giúp món ăn thơm ngon hơn so với việc xay máy đấy. Trước khi giã nên cho một thìa muối vào. Việc này không phải để cua bớt tanh. Mà giúp cho protein được kết dính với nhau tốt hơn. Khi nấu lên sẽ tạo thành mảng. Đây là lý do khi quết thịt mà cho muối thì khối thịt sẽ dẻo mịn hơn là không dùng muối.
Bí quyết điều chỉnh nhiệt độ trong quá trình nấu canh
Bí quyết quan trọng nhất để cua đóng thành tảng là đầu tiên đun nước cua trên lửa lớn. Dùng đũa khuấy nhẹ nhàng theo vòng tròn. Mục đích để gạch cua không bị đóng dưới đáy nồi và giúp chúng hòa quyện vào nhau. Đun sôi nước lọc cua là một bước quan trọng, cần chú ý không để thịt cua bị trào. Đến khi thấy miệng nồi bắt đầu nóng thì hạ lửa nhỏ và dừng việc quấy.
Sau đó, đợi cua đóng thành tảng dày thì bạn hớt ra bát để riêng. Tiếp theo đó là cho rau vào. Lúc nào ăn canh thì rưới gạch lên. Hoặc bạn không vớt gạch ra mà cho rau vào một góc nhỏ và khuấy thật nhẹ. Gạch cua vẫn đóng thành tảng, rau xanh trông rất bắt mắt, ngon miệng.
Canh cua rau đay, mồng tơi, mướp là món canh ngon mùa hè giúp giải nhiệt rất tốt. Món canh cua này không thể thiếu đĩa cà muối ăn kèm. Vậy là với cách nấu canh cua trên, bạn có thể hoàn toàn nấu canh cua ngon đúng điệu cho cả nhà thưởng thức. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này sẽ giúp các bạn nấu món canh cua ngon đúng điệu và đóng nhiều gạch.
Nguồn: cachnauan.net