Tết Dương lịch là ngày lễ diễn ra vào ngày đầu tiên của một năm mới, đây được coi là một ngày lễ vô cùng quan trọng trong năm của nhiều dân tộc và nền văn hóa trên thế giới. Một số quốc gia sẽ có những nghi lễ độc đáo, thú vị nhằm lấy may trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới như họ sẽ đập vỡ chén đĩa, ăn 12 trái nho hoặc họ mời một người đàn ông đẹp trai đến xông đất cho nhà mình… Hãy cùng với Giới Trẻ khám phá những điều thú vị về phong tục đón Tết Dương lịch của các quốc gia châu Âu qua bài viết sau đây nhé.
Mục lục
Phong tục đón Tết ở Anh
Ở Anh, bài hát được bật lên vào thời khắc giao thừa không phải là “Happy New Year” mà là “Auld Lang Syne” (nghĩa là thời gian trôi qua). Bài hát vốn dĩ là một bài thơ, được nhà thơ Robert Burns viết vào năm 1788. Tác phẩm này được phổ nhạc thành một ca khúc cổ truyền. Hiện tại bài hát được biết đến ở nhiều nước nói tiếng Anh và cả các quốc gia khác. Những tiếng hát cất lên lời bài hát Auld Lang Syne thường được phát trong thời khắc giao thừa. Để bắt đầu một năm mới thành công. “Auld Lang Syne” mang thông điệp nhắc nhở mọi người hãy yêu thương, quý trọng gia đình, người thân xung quanh mình, hãy luôn để những người thân yêu ấy trong tim cho dù họ có ra đi mãi mãi.
Ở Anh, vào đêm giao thừa, mọi người thường tập trung ở quảng trường Trafalgar và Piccadilly Circus hoặc ở những nơi mà nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben. Theo quan niệm của người Anh, người múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn suốt cả năm.
Phong tục đón Tết ở Ý
Ở Ý có một phong tục thú vị xuất phát từ thời Trung Cổ. Người Ý cho rằng mặc đồ lót màu đỏ vào ngày đầu tiên của năm mới sẽ đem lại may mắn trong cả năm. Ở Ý, không một ai ra ngoài đường trong đêm giao thừa. Vì khi chuông đồng hồ đánh 12 tiếng, mọi người sẽ vứt hết đồ đạc cũ, hư hỏng ra ngoài đường phố. Sở dĩ có phong tục như thế vì người Ý cho rằng nếu vứt hết đồ đạc cũ thì sang năm mới mình sẽ có được những đồ vật mới.
Một trong những phong tục không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Ý là ăn nho, bánh và tổ chức nhiều cuộc vui rồi xuất hành với quan niệm nếu gặp người già, người gù thì sẽ may mắn cả năm và ngược lại – sẽ xui xẻo nếu gặp phải trẻ con, tu sĩ! Khi chúc Tết nhau, thường phải kèm theo bài hát, câu hát năm mới. Thời tiết 12 ngày đầu năm được coi là tương ứng với thời tiết 12 tháng trong năm. Trong ngày đẩu tiên của năm mới, người dân Italy thi nhau nhảy xuống con sông Tiber từ cây cầu Cavour với đức tin hành động này mang lại may mắn và thành công cho mọi người trong năm mới. Tục lệ này có từ năm 1946.
Phong tục đón Tết ở Đức
Người Đức quan niệm rằng người đầu tiên họ gặp trong năm mới sẽ là người có ảnh hưởng lớn đến với họ trong năm. Đối với các cặp đôi đang yêu nhau, họ sẽ ở bên nhau và trao nhau nụ hôn vào đúng thời khắc chuyển giao giữa hai năm. Vì có lời đồn rằng nếu không hôn nhau vào khoảng khắc đó họ sẽ chịu cảnh chia ly. Ở Đức còn có phong tục thú vị khác là trước giao thừa 15 phút, mọi người sẽ ngồi yên trên ghế. Khi chuông đồng hồ vang lên, họ sẽ nhảy xuống ghế và ném một đồ vật nặng ra phía sau. Phong tục này có ý nghĩa là vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn. Để tiến tới một năm mới hạnh phúc, bình an.
Phong tục đón Tết ở Pháp
Người Pháp dùng rượu để đón năm mới. Từ đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 người Pháp mở tiệc, uống rượu say sưa. Theo quan điểm của người Pháp, uống cạn rượu sẽ đem lại may mắn cho họ vào năm mới; nếu không uống hết thì trong năm mới sẽ gặp điều xui xẻo.
Ngoài ra vào sáng sớm mùng 1, người Pháp thường cùng nhau ra đường xem hướng gió. Nếu là gió Nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa; nếu gió Tây thổi thì đây là năm may mắn. Đối với những người làm nghề đánh cá và nuôi bò sữa; nếu là gió Đông thì năm ấy hoa quả được mùa, nhà nhà bội thu; còn là gió Bắc thổi thì sẽ một năm mất mùa.
Phong tục đón Tết ở Tây Ban Nha
Người Tây Ban Nha có phong tục ăn 12 trái nho khi chuông nhà thờ điểm 12 giờ. Để cầu mong 12 tháng ngập tràn niềm vui, sự hạnh phúc. Ngoài ra phong tục này cũng thể hiện ước mong sang năm mới mọi người sẽ có một mùa nho bội thu. Ở Tây Ban Nha vào ngày Tết trẻ con không được cáu kỉnh, khóc lóc và đánh nhau. Đó là điều cấm kỵ. Ngoài ra người Tây Ban Nha thương hay đeo đồng tiền bằng vàng hoặc bằng đồng bên người, biểu thị sự may mắn.
Phong tục đón Tết ở Đan Mạch
Ở Đan Mạch có phong tục thú vị vào năm mới. Đó là những người hàng xóm sẽ qua nhà nhau, đứng trước cửa nhà và ném bát đĩa. Nhà nào càng có nhiều đĩa vỡ càng gặp nhiều may mắn trong năm mới. Và điều đó chứng minh họ có nhiều bạn thân. Ở một số quốc gia, bát đĩa vỡ vào dịp năm mới là sự xui xẻo. Nhưng với người dân Đan Mạch điều này mang một ý nghĩa trái ngược hẳn. Nó mang lại những điều may mắn. Trong năm, những chiếc bát đĩa cũ không dùng nữa được mọi người giữ lại. Đến giao thừa, họ sẽ qua nhà những người thân, những người hàng xóm yêu quý và ném bát đĩa vào nhà họ.
Nguồn: thuthuatdulich.com