Mặc dù là một nước mạnh về sản xuất nông sản, thế nhưng nước ta vẫn còn rất nhiều những khó khăn và thách thức trong thị trường này. Một trong những vấn đề chưa thể có cách giải quyết triệt để đó chính là tình trạng giá nông sản hạ thấp, gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề. Hàng năm, có phải đến vài vụ giải cứu nông sản ở diện rộng. Đó là chưa kể đến những lần nông sản bị ùn ứ lẻ tẻ ở các tỉnh. Những ngày gần đây, dịch Covid-19 lại bắt đầu trở nên phức tạp hơn. Đây là lý do khiến giá nông sản hạ thấp, kèm theo các giao dịch quốc tế bị ngưng trệ. Nông dân phải chịu lỗ nặng nề.
Mục lục
Bí xanh rớt giá ngay vào mùa thu hoạch
Những ngày này về thôn Lĩnh Hồng, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An đâu đâu cũng thấy cảnh người dân tấp nập ra đồng thu hái bí xanh. Ở đây đang vào vụ thu hoạch chính. Nên dù giá bí xanh rớt xuống chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg , vẫn không có thương lái đến thu mua.
Bên ruộng bí trĩu quả, ông Nguyễn Văn Liên (70 tuổi) cùng đứa cháu nội gom từng xe bí về nhà để cất giữ. Ông Liên cho biết, nhiều năm liên tục thấy bí xanh được mùa được giá. Vậy nên vụ xuân năm nay, gia đình ông trồng gần 2 sào bí. Có lúc giá bí đạt đỉnh 16.000 đồng/kg. Lúc thấp nhất 4.000 đồng/kg. Nhưng nay chỉ 2.000 đồng/kg cũng không bán được.
Giá bí xuống thấp, nông dân chịu lỗ nặng nề. Nhưng vẫn phải ngậm ngùi thu hoạch. Bí xếp thành đống ngoài ruộng chờ thương lái đến mua.
Giá bí xanh hạ thấp khiến nông dân thua lỗ nặng nề
Những ngày này, trên những cánh đồng xã Lưu Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), bà con chất đầy bí xanh chờ người đến thu mua. Bí xanh năm nay đạt năng suất cao. Thế nhưng giá xuống thấp, chỉ còn vài nghìn đồng/kg vẫn rất khó bán. Hàng trăm hộ nông dân rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.
Cả thửa ruộng bí xanh lá bắt đầu vàng úa vì già. Chỉ còn trơ lại những quả bí lúc lỉu trên giàn. Anh Phùng Văn Dũng (xóm Lưu Quang, xã Lưu Sơn) tâm sự: “Gia đình tôi trồng 2,2 ha bí xanh, xuống giống từ ngày 25/11 âm lịch. Đưa ra trồng trên đất bãi ngày 20/12 âm lịch. Cây bí sinh trưởng rất tốt, cho sản lượng 4 tấn/sào. Tuy nhiên, giá bí đầu năm 12.000 đồng/kg, đến nay sụt giảm hơn nửa”
Đầu tư lớn nhưng thu nhập bấp bênh
Cũng theo anh Dũng, vùng đất này trước đây bỏ hoang. Anh đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để trồng bí. “Bí xanh tôi trồng đúng quy trình, đảm bảo sạch bệnh, hiện nay rất khó khăn trong đầu ra. Bí đẹp cũng chỉ bán được 2.000 – 3.000 đồng/kg, bí xấu thì vứt thành đống, không ai mua. Nếu để hòa vốn thì giá bí phải trên 5.000 đồng/kg”, anh Dũng nói.
Hiện, bí xanh sau khi thu hoạch được anh Dũng cất giữ tại nhà, để ở nhà kho, còn phần lớn phải chất đống ngoài đồng với khối lượng rất lớn. Theo tính toán, lượng bí tồn đọng khoảng 200 tấn.
Để giúp bà con nông dân trồng bí, Đảng ủy và chính quyền xã Lưu Sơn đã kêu gọi các ban, ngành, các thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua. Tuy nhiên, đến nay lượng bí tiêu thụ rất ít.
Nguyên nhân gây ra sự sụt giá của bí xanh
Ông Trần Ngọc Thuận – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương cho biết: “Bí xanh, được trồng nhiều ở các xã Lưu Sơn, Trung Sơn,… Thực hiện chủ trương cải tạo vùng đất bỏ hoang, nhiều bà con nông dân đã đầu tư trồng bí xanh và đạt sản lượng cao. Tuy nhiên hiện nay giá bí xuống thấp khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn”.
Nguyên nhân giá bí xanh xuống thấp được ông Thuận cho rằng do nguồn cung vượt cầu. Trước đây, một lượng lớn bí xanh cung cấp cho nhà hàng, phục vụ khách du lịch, các khu công nghiệp và bếp ăn tập thể nhưng do ảnh hưởng của COVID-19 khiến bí xanh gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.
Bí xanh chủ yếu được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh không thể đem bán sang biên giới được, trong khi đó, sức tiêu thụ của thị trường nội địa không tăng, nên dẫn đến tình trạng giá bí thấp, không đủ thu hồi công sức bỏ ra đầu tư cho người nông dân trồng bí. Nhiều hộ nông dân không biết tiêu thụ bí đi đâu, đành bán tống, bán tháo hoặc chấp nhận để bí thối ở ruộng…
Giá nông sản hạ thấp là một trong những nỗi lo lớn của bà con nông dân. Nhà nước cần đưa ra những chính sách hợp lý để giúp nông dân vượt qua khó khăn này.
Nguồn: cafef.vn